X

Tổng quan về “Cold Brew” – một phương pháp pha chế cà phê độc đáo

Phương pháp pha chế “cold brew” là một phương pháp pha chế cà phê khá phổ biến ở những nước có khi hậu nóng, không những thế phương pháp này còn rất được yêu thích bởi cộng đồng những người yêu cà phê. Phương pháp pha chế này sử dụng nước ở nhiệt độ thường, nước lạnh hoặc nước đá để chiết xuất cà phê.

Trước hết, việc pha chế cà phê bằng phương pháp “cold brew” sẽ giúp cà phê ít chua và ít đắng hơn là việc pha chế  bằng nước nóng thông thường. Điều này khá dễ hiểu bởi trong cà phê có một lượng dầu mang nhiều axit, khi hợp chất dầu này được hòa tan trong nước sẽ tạo ra vị chua và đắng cho cà phê. Và chắc chắn nước nóng sẽ chiết xuất và hòa tan hợp chất dầu này mạnh hơn nước lạnh, vì vậy cà phê pha chế bằng nước nóng sẽ chua và đắng hơn.

Dầu trong hạt cà phê có chứa một lượng axit nhất định

Nhiều người thưởng thức cà phê cho rằng phương pháp “cold brew” sẽ mang lại cho cà phê sự cân bằng giữa độ chua và vị đắng của một tách cà phê, thêm vào đó cũng tăng thêm vị ngọt tự nhiên. Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra, việc lưỡi cảm nhận vị chua trước tiên có thể làm giảm đi khả năng cảm nhận những vị khác, vì vậy việc giảm độ chua khá quan trọng với những người thưởng thức cà phê vì họ có thể cảm nhận được các hương vị tự nhiên khác rõ ràng hơn. Với những ly cà phê pha chế bằng “cold brew”, người uống sẽ cảm nhận được vị ngọt nhiều và có lẽ sẽ không phải dùng thêm bất kỳ một chút đường nào.

Cà phê pha chế theo phương pháp Cold Brew tốt cho hệ tiêu hóa hơn, cân bằng giữa vị chua và đắng hơn.

Thêm một ưu điểm nữa cho phương pháp đó là sẽ tốt cho hệ tiêu hóa hơn. Với việc giảm đi tính axit có trong dầu của cà phê sẽ giúp cho những người bị trào ngược axit, ợ nóng hoặc gặp các vấn đề khác về dạ dày sẽ thấy thoải mái hơn khi thưởng thức cà phê. Nếu muốn uống cà phê nóng, họ sẽ chỉ việc hâm nóng tách cà phê bằng các thiết bị thông thường rất dễ dàng.

Việc pha chế cà phê bằng nước lạnh hay nước đá cũng sẽ mang lại sự đơn giản tối đa, bạn sẽ không phải cần quá nhiều thiết bị điện, những dụng cụ phức tạp. Hơn nữa nếu bảo quản đúng cách, lượng cà phê bạn pha chế bằng phương pháp này có thể giữ và sử dụng tiếp trong vòng hai tuần.

Những cách áp dụng phương pháp “cold brew” phổ biến

  • Ngâm cà phê với một lượng nước và tiến hành lọc: cà phê sau khi xay sẽ được ngâm trong nước có thể tới 24 giờ sau đó sẽ được lọc. Cách này khá đơn giản nhưng sẽ có nhược điểm nhất định. Cũng tương tự như việc pha chế bằng nước nóng, cách này nếu không xác định thời gian chuẩn sẽ dẫn tới việc cà phê bị chiết xuất quá mức và rất đắng. Tiếp theo, quá trình lọc khi sử dụng cách này cũng sẽ khiến cà phê tồn tại một chút cặn lắng phía dưới, khi thưởng thức sẽ cảm giác sàn sạn nơi đầu lưỡi.

Ngâm cà phê trong nước và tiến hành lọc sau khi đủ thời gian

  • Sử dụng cơ chế Slow Drip ( tạm gọi là nhỏ giọt chậm ): với cách này sẽ không có hiện tượng chiết xuất quá mức cà phê. Quá trình thao tác cũng rất đơn giản, bản thân lượng cà phê dùng để pha chế lúc này sẽ hoạt động như một bể lắng và tự cản, tự lọc những cặn lắng của mình. Đây là cách được áp dụng nhiều nhất để cho ra một tách cà phê sạch sẽ, đầy hương vị và cân bằng độ chua ngọt.

Cơ chế Slow Drip ( nhọ giọt chậm ) là cách hoàn hảo để pha chế cà phê theo phương pháp Cold Brew

Hãy bắt tay thử nghiệm ngay để có thể tự có những trải nghiệm tốt nhất về phương pháp pha chế khá nổi tiếng và thú vị này thôi!

Nhung Tuyết: